Tỷ lệ nuốt khó giữa nhóm bệnh nhân phẫu thuật ACDF 1 tầng và 2 tầng là khác nhau?
- IQ-Life
- 10 thg 1, 2022
- 3 phút đọc
Đặt vấn đề:
Nuốt khó sau phẫu thuật lấy nhân đệm cột sống cổ và hàn xương liên thân đốt lối trước (ACDF) là biến chứng thường gặp. Tuy nhiên, nguyên nhân của biến chứng này vẫn chưa được xác định. Cơ chế gây nuốt khó được nghĩ đến là do phù mô mềm tại chỗ sau phẫu thuật. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng phẫu thuật càng nhiều tầng thì tỷ lệ nuốt khó sau mổ càng càng cao. Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu trước đây, so sánh tỷ lệ nuốt khó ở bệnh nhân phẫu thuật ACDF 1 tầng và 2 tầng cho kết quả rất khác nhau.
Mục tiêu nghiên cứu:
Xác định sự khác biệt về tỷ lệ nuốt khó giữa nhóm bệnh nhân phẫu thuật ACDF 1 tầng và 2 tầng.
Thiết kế nghiên cứu:
Nghiên cứu hồi cứu.
Mẫu nghiên cứu:
Các bệnh nhân được phẫu thuật ACDF 1 tầng hoặc 2 tầng do một phẫu thuật viên có kinh nghiêm tại trung tâm y khoa có tính học thuật cao.
Số liệu thu thập:
Chỉ số giảm chức năng cột sống cổ (Neck disability index – NDI), thang điểm VAS đánh giá đau cổ và đau tay, bảng đánh giá sức khỏe thể chất và tâm thần phiên bản rút gọn (Short Form-12 physical and mental health Questionnaire), bảng đánh giá chất lượng nuốt (Swallowing Quality of Life Questionnaire - SWAL-QOL).
Phương pháp nghiên cứu:
Các đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu, dữ liệu trong mổ, các điểm đánh giá sau phẫu thuật ở những bệnh nhân phẫu thuật ACDF 1 và 2 tầng được so sánh bằng phép kiểm Fisher và Student. Phân tích hồi quy các yếu tố liên quan đến điểm SWAL-QOL tại thời điểm 6 tuần và 12 tuần sau phẫu thuật nhằm xác định xem số tầng phẫu thuật có ảnh hưởng đến kết cục nuốt khó sau phẫu thuật hay không.
Kết quả nghiên cứu:
58 bệnh nhân được thu thập số liệu (22 bệnh nhân phẫu thuật 1 tầng và 36 bệnh nhân phẫu thuật 2 tầng). Bệnh nhân phẫu thuật 2 tầng có độ tuổi lớn hơn (54,17 ± 8,67 so với 48,06 ± 10,68 tuổi, p = 0,02) và thời gian phẫu thuật dài hơn (69,08 ± 10,51 so với 53,5+14,35 phút, p < 0,0001). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về đặc điểm lâm sàng trước mổ và các dữ kiện trong mổ khác. Tại thời điểm sau mổ 12 tuần, cả hai nhóm đều có sự cải thiện tình trạng lâm sàng có ý nghĩa thống kê so với trước phẫu thuật. Trẻ tuổi (p = 0,023), giới tính nam (p = 0,021), thời gian phẫu thuật dài hơn (p = 0,068) và điểm đánh giá chất lượng nuốt trước mổ (p<0,0001) liên quan đến tỷ lệ nuốt khó tại thời điểm 6 tuần sau mổ. Chỉ có điểm đánh giá chất lượng nuốt trước mổ liên quan đến tỷ lệ nuốt khó tại thời điểm 12 tuần sau mổ (p = 0,003). Tại thời điểm sau mổ 6 tuần, thời gian phẫu thuật lớn hơn 61,5 phút có độ nhạy và độ đặc hiệu là 62,1% để tiên lượng điểm đánh giá chất lượng nuốt thấp hơn so điểm chung của mẫu nghiên cứu.
Kết luận:
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng không có sự khác biệt về tỷ lệ nuốt khó giữa bệnh nhân phẫu thuật ACDF 1 tầng hay 2 tầng. Tuy nhiên, những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ nuốt khó sau mổ bao gồm tuổi trẻ, giới tính nam, thời gian phẫu thuật lớn hơn 61,5 phút và điểm đánh giá chất lượng nuốt trước mổ thấp. Cần tiến hành những nghiên cứu lớn hơn để xác định các yếu tố nguy cơ của tình trạng nuốt khó sau mổ.
Avani S Vaishnav et al
Spine J 2020, 20(5):737-744. doi: 10.1016/j.spinee.2020.01.011. Epub 2020 Feb 22.
Từ khóa: ACDF, Anterior cervical discectomy and fusion; Cervical; Complication; Dysphagia; Fusion; Level; Operative time; Outcomes; Swallowing
Comentarios